Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài cuối): Phát hiện sớm để phòng ngừa hữu hiệu

VHO- Những áp lực, căng thẳng của trẻ dễ dàng dẫn đến hành vi lệch chuẩn, có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh, cao nhất là phạm tội, mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí trộm cướp, gây thương tích, giết người... Do đó, bảo vệ trẻ trước hết là cần giáo dục bằng tình yêu thương để phòng ngừa; trách nhiệm này thuộc về gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em (Bài cuối): Phát hiện sớm để phòng ngừa hữu hiệu - Anh 1

 Giải tỏa áp lực tâm lý cho trẻ tại gia đình và nhà trường để các em luôn tự tin, vui vẻ Ảnh: LAN HƯƠNG

 Các chuyên gia đều cho rằng, bất kỳ một vấn đề phạm tội nào, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên, đều là biểu hiện liên quan đến sức khỏe tâm thần. Cho nên, về mặt lâu dài ở tầm chiến lược, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ tâm lý trẻ em để có những giải pháp căn cơ.

Trách nhiệm chung, nhưng… không ai chịu trách nhiệm

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) nhận định, đây là hậu quả của chứng rối loạn tâm lý trẻ em và cần phân tích ở nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, phải tìm hiểu xem trẻ có bị áp lực, căng thẳng gì không. Thứ hai, xem xét môi trường giáo dục, bao gồm cả môi trường xã hội ảnh hưởng từ thông tin truyền thông, mạng Internet… có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ hay không. Thứ ba là phải nhìn nhận ở góc độ giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của gia đình, của nhà trường. Thứ tư nữa là cần phải xem các đối tượng có vấn đề liên quan các chứng nghiện như nghiện game, nghiện Internet, ma túy, thuốc lá điện tử dẫn đến những ảo giác, không thể kiềm chế, kiểm soát được hành vi…

Để giải quyết vấn đề này thì tìm ra được nguyên nhân nào sẽ có biện pháp đấy. Về dài hạn thì đây là trách nhiệm của nhiều bên, phải xác định rõ trách nhiệm của từng bên, chứ không có chuyện là bên nào cũng có trách nhiệm nhưng… không bên nào chịu trách nhiệm. Ví dụ như trong trường học thì cần phải tăng cường giáo dục công dân, kỹ năng sống, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tham vấn tâm lý học đường. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn cũng góp phần phòng ngừa hữu hiệu những hành vi dẫn đến sai lầm, lệch chuẩn và nghiêm trọng là hành vi trái pháp luật.

Ngoài ra, cần xem xét vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, đội thiếu niên tiền phong… “Họ không chỉ tập hợp giáo dục đội ngũ thanh thiếu niên ưu tú, tiến bộ mà còn phải có tác động đến đối tượng gặp vấn đề về xã hội để có những biện pháp giáo dục, theo dõi, tư vấn một cách kịp thời”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam cũng nhận định, việc giáo dục trong gia đình là đặc biệt quan trọng, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc, phòng ngừa sớm những nguy cơ trẻ em bị mất an toàn, trong đó có những biểu hiện bị áp lực tâm lý. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước cần cập nhật, nắm bắt kịp thời những vấn đề xã hội liên quan đến gia đình để có biện pháp phù hợp, đặc biệt là về truyền thông giáo dục; tổ chức tư vấn, tập huấn cho các thành viên trong gia đình, các nhóm cộng đồng, dân cư...

Cần thấy rằng, trẻ em có những hành vi lệch chuẩn, trước hết trách nhiệm thuộc về gia đình. Không phải ai cũng biết làm cha mẹ; chỉ cho ăn, cho uống, mua quần áo, sách vở, quan tâm chăm sóc về vật chất là chưa đủ. Muốn giáo dục những đứa trẻ, cha mẹ phải có kiến thức, kỹ năng, phải kiên trì, dành thời gian cho con, hiểu và chia sẻ với con. “Có một thực tế là hiện nay đa số cha mẹ thường áp dụng những điều được ông bà dạy dỗ để dạy lại con cái mình, thậm chí lấy quyền làm cha mẹ để áp đặt các con. Điều này khiến xung đột, mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi thành viên. Không ai sinh ra đã biết làm cha mẹ, để biết làm cha mẹ cũng cần phải học”, ông Nam nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng bày tỏ sự chua xót khi nói về thực trạng ở lứa tuổi 12-16, trẻ có sự thay đổi nhiều về tâm sinh lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, đến giao tiếp xã hội và mọi hành vi của trẻ. Nhưng nhiều bậc phụ huynh khi giáo dục con không được thì đẩy chúng vào trường nội trú. “Đây là lứa tuổi cần sự quan tâm, chăm sóc sát sao của cha mẹ, nếu không có biện pháp tốt thì hậu quả sau này sẽ khôn lường”, ông Nam nhận định.

Cần nguồn nhân lực có kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp

Để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em cần có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Trong nhà trường, cần có mô hình CLB để quan tâm, giúp đỡ các đối tượng có hiện tượng tâm lý bất ổn. “Nhiều trường hiện nay thiếu chuyên gia tư vấn, tham vấn tâm lý chuyên nghiệp thì sao có thể giúp đỡ được học sinh. Một giáo viên vừa kiêm nghiệm công tác giảng dạy, quản lý học sinh lại thêm tư vấn tâm lý thì chắc chắn không thể hiệu quả”, ông Đặng Hoa Nam đề nghị.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023 TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông; trong đó, các trường học được bố trí nhân sự vào vị trí tư vấn, tham vấn tâm lý học đường. Văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh gia tăng thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên cũng như tăng cường ưu tiên phòng, chống xâm hại và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Đánh giá về động thái này, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, đây là văn bản quan trọng lần đầu tiên quy định tất cả các trường tiểu học và THCS phải có vị trí tư vấn học sinh, là một vị trí nhân viên toàn thời gian nhằm cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ. Nhân viên tư vấn học đường cũng sẽ đóng vai trò là đầu mối cho các dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ trẻ em trong trường học. “Thông tư thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cho học sinh. Để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, đảm bảo các giải pháp phòng ngừa mạnh mẽ, ứng phó hiệu quả với các hiện tượng bạo lực, bao gồm các tác động về thể chất, tinh thần, cảm xúc và tâm lý xã hội, cũng như những thách thức về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng ở Việt Nam - đòi hỏi kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp và nguồn nhân lực được đào tạo”, bà Rana Flowers phát biểu.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT xác định vị trí việc làm của nhân viên công tác xã hội và tỷ lệ nhân viên công tác xã hội so với cán bộ chuyên môn khác trong các cơ sở y tế, nhằm giúp đỡ bệnh nhân trong đó có trẻ em.

Trong ngành Giáo dục và Y tế, tư vấn tâm lý là rất cần thiết để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời cải thiện kết quả học tập của các em. Do đó, Thông tư 20/2023 TT-BGDĐT và Thông tư 03/2023/TT-BYT sẽ là tiền đề để Bộ Nội vụ ban hành thêm một chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em ở trường học. Cụ thể là điều chỉnh vị trí y tế học đường từ danh mục “hỗ trợ, phục vụ” sang danh mục vị trí việc làm “chuyên môn dùng chung” để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này. 

QUỲNH HOA - HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc